Theo Thông tư, quặng đuôi là vật
chất được thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản có dạng bùn, gồm hai
thành phần rắn và lỏng, trong đó phần rắn là các hạt mịn còn lại sau khi thu
hồi khoáng sản có ích từ khoáng sản nguyên khai, phần lỏng là hỗn hợp nước thải
và các hóa chất hòa tan sau quá trình chế biến khoáng sản.
Hồ chứa quặng đuôi là một hệ
thống bao gồm hồ chứa (còn được gọi là hồ thải) hoặc bãi chứa (còn được gọi là
bãi thải) quặng đuôi, đập chắn, thiết bị và các công trình phụ trợ được thiết
kế, xây dựng để lưu giữ quặng đuôi tạm thời hoặc vĩnh viễn, đảm bảo ổn định và
an toàn môi trường. Hồ chứa quặng đuôi không nhất thiết phải được tạo thành bởi
cấu trúc đập chắn.
Thông tư nêu rõ, chủ sở hữu khi vận
hành hồ chứa quặng đuôi phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc: Đảm bảo an toàn
trong quá trình vận hành hồ chứa quặng đuôi, đồng thời khai thác tối đa công
năng của hồ chứa quặng đuôi theo thiết kế đã được phê duyệt.
Đồng thời tuân thủ quy trình vận hành
hồ chứa quặng đuôi đã được phê duyệt, thực hiện đúng Kế hoạch kiểm tra hồ chứa,
thường xuyên xem xét hoặc ghi lại những thay đổi trong quá trình vận hành để
sửa đổi, cải tiến quy trình vận hành. Thực hiện các trách nhiệm bảo trì, giám
sát an toàn hồ chứa quặng đuôi và Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố khẩn
cấp; chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố hồ chứa quặng đuôi.
Quy trình
vận hành hồ chứa quặng đuôi
Chủ sở hữu chịu trách nhiệm lập, phê
duyệt và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi phù hợp với
điều kiện thực tế, dựa trên các thông số thiết kế của hồ chứa quặng đuôi đã
được thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi
phải được xây dựng bao gồm quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi trong điều
kiện bình thường, trong điều kiện mưa lũ và trong trường hợp phát hiện các dấu
hiệu có khả năng dẫn đến sự cố.
Quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi
phải được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi điều kiện đầu vào của hồ chứa,
kế hoạch sản xuất và kết quả đo đạc, dự báo các yếu tố khí tượng, địa chất,
thủy văn nhưng phải được cập nhật ít nhất 1 lần trong thời gian vận hành 2 năm.
Chủ sở hữu có trách nhiệm xây dựng,
lắp đặt hệ thống giám sát an toàn, lập nhật ký để theo dõi kết quả giám sát,
cảnh báo và có biện pháp xử lý khi các giá trị thông số giám sát vượt quá giá
trị thiết kế của hồ chứa quặng đuôi đã được phê duyệt.
Giám sát an toàn hồ chứa quặng đuôi
bao gồm các nội dung: Kiểm soát thấm trong đập; giám sát mực nước và dòng chảy
đến hồ chứa; theo dõi các khu vực xung quanh hồ chứa; thiết bị phục vụ vận
hành…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01/02/2021.
(Xem bài viết gốc của Báo điện tử Chính phủ tại đây)